"Đội bóng rổ nam thua đau đớn ở bán kết trước đội hình không phải mạnh nhất của Philippines",ốcchưathỏamãnvớithànhtíchởthái ông Zhou Jinqiang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Trung Quốc, nói trong buổi tổng kết Asiad hôm 8/10. "Đội bóng đá nữ cũng thua trước đội hình hai của Nhật Bản. Vẫn còn khoảng cách lớn, giữa thành tích chung của ba môn bóng lớn so với sự kỳ vọng của nhân dân".
Ông Zhou nhấn mạnh trận thua 76-77 của đội tuyển bóng rổ nam Trung Quốc ở bán kết trước Philippines là kết quả kém cỏi, khó chấp nhận. Ở trận đấu đó, Trung Quốc dẫn 48-30 sau hai hiệp đầu nhưng thua ngược đau đớn. Philippines chỉ dẫn điểm trong đúng 40 giây và chiến thắng, ở trận đấu bốn hiệp (mỗi hiệp dài 10 phút). Philippines sau đó thắng Jordan ở chung kết để chấm dứt cơn khát vàng môn bóng rổ dài 60 năm.
"Đội tuyển bóng rổ nam không chịu được áp lực ở những thời khắc quan trọng, trong những trận đấu lớn", ông Zhou nói thêm. "Dẫn sâu nhưng vẫn thua ngược, thất bại phơi bày những vấn đề trong công tác quản lý đội tuyển". Ông Zhou cũng nhắc đến việc đội bóng rổ nam trượt vé dự Olympic 2024, do thi đấu bết bát ở World Cup 2023 tháng trước.
Bóng rổ được xem là môn thể thao quốc dân ở Trung Quốc. Ở nội dung của nam, Trung Quốc 16 lần vô địch châu Á và tám lần giành HC vàng Asiad trong 12 lần tham dự, bao gồm kỳ Asiad trước tại Indonesia năm 2018. Việc bóng rổ nam chỉ giành HC đồng tại Á vận hội trên sân nhà bị các CĐV đất nước tỷ dân xem là "thảm họa".
Tương tự bóng rổ nam, bóng đá nữ Trung Quốc cũng được kỳ vọng giành HC vàng khi quốc gia mạnh nhất châu lục là Nhật Bản chỉ cử đội hình hai dự Á vận hội. Đội tuyển xứ mặt trời mọc có tới 14 cầu thủ dưới 22 tuổi và chỉ có một người từng dự World Cup bóng đá nữ hồi tháng 7, nhưng vẫn thắng Trung Quốc 4-3 ở bán kết rồi sau đó thắng tiếp chung kết để giành HC vàng. Trung Quốc chỉ giành HC đồng, xếp dưới Triều Tiên - đội bốn năm không dự giải đấu nào.
Ông Zhou Jinqiang cũng nói đến những điểm sáng ở "ba môn bóng lớn", khi đội bóng rổ nữ và bóng chuyền nữ bảo vệ thành công HC vàng, đội bóng chuyền nam lần đầu vào chung kết sau 17 năm. Đội bóng đá nam cũng lần đầu vào tứ kết kể từ năm 2006. Nhưng nhìn tổng thể, theo ông Zhou, màn trình diễn của Trung Quốc ở "ba môn bóng lớn" tại Asiad là không đạt yêu cầu.
Trung Quốc đứng đầu bảng tổng sắp Asiad với 201 HC vàng, 111 bạc và 71 đồng. Bơi lội đóng góp nhiều nhất với 28 HC vàng, trong đó hai kình ngư Qin Haiyang (5 HC vàng, 1 HC bạc) và Zhang Yufei (6 HC vàng) được bầu là những VĐV xuất sắc tại Á vận hội.
Số HC vàng của chủ nhà gần gấp bốn lần đoàn nhì Nhật Bản, và nhiều hơn thành tích của tám đoàn đứng sau gộp lại. Trung Quốc cũng phá kỷ lục 199 HC vàng họ từng giành được tại Asiad 2010 ở Quảng Châu. Lần này họ chiếm 41,7% trong 482 HC vàng đã trao ở Đại hội.
Vy Anh